Múa mặt nạ Talchum (탈춤) – Nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của Hàn Quốc
Múa mặt nạ Talchum (탈춤) là một nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của Hàn Quốc nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân và ngày nay đã trở thành một trò chơi dân gian truyền thống dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi.
Hôm nay, cùng chúng mình tìm hiểu về nghệ thuật múa mặt nạ Talchum độc lạ mà hấp dẫn này nha!
-
Múa mặt nạ Talchum là gì?
Trong tiếng Hàn, Talchum (탈춤) là sự kết hợp của từ ‘Tal’ (탈) có nghĩa là đeo mặt nạ và ‘chum’ (춤) là nhảy múa. Như vậy ‘Talchum’ chính là hình thức nghệ thuật đeo mặt nạ và nhảy múa hay gọi ngắn lại là ‘múa mặt nạ’.
Nghệ thuật múa mặt nạ có từ thời Tam Quốc, nhưng chỉ đến thời Joseon nó mới được lưu hành rộng rãi và phát triển đạt đến đỉnh cao. Hiện nay, nó là nét văn hóa dân gian lâu đời và biểu diễn ở nhiều nơi trên khắp cả nước.
-
Ý nghĩa và sự phát triển của múa mặt nạ Talchum
Talchum là hình thức nghệ thuật mua vui của dân gian, thường được trình diễn trong những ngày lễ hội như tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, tết Đoan Ngọ, ngày lễ Phật Đản,…
Nhưng ẩn chứa đằng sau tiếng cười ấy là rất nhiều tâm tư nguyện vọng của người dân muốn gửi gắm.
Thời kỳ Tam Quốc, múa mặt nạ là một nghi lễ đơn giản để giao tiếp với thần. Người ta tin rằng, mặt nạ phản ánh hình ảnh của các vị thần, còn người đeo mặt nạ mang sức mạnh nửa thần nửa người giúp truyền tải những tâm tư của người dân đến thần linh và ngược lại. Múa mặt nạ như một hình thức giao lưu một cách vui vẻ giữa thần linh và người trần.
Đến thời Joseon, múa mặt nạ Talchum phát triển mạnh mẽ theo hình thức khác. Không phải khái niệm thần linh nữa, mà thông qua đó để phản ánh sự giận dữ, những nỗi bất công của người dân thường với các quý tộc, quan lại thời phong kiến.
Khi biểu diễn Talchum, người biểu diễn đứng ở giữa và người dân tụ tập xung quanh vừa xem vừa reo hò cổ vũ. Người biểu diễn đeo mặt nạ, giấu đi thân phận của bản thân và hóa thân vào một nhân vật bất kỳ, được phép nói ra những điều sâu kín, những điều bất bình mà người thường không dám nói.
Từ đó, các vấn đề được đề cập đến cũng đa dạng như lên án sự yếu đuối của kẻ yếu hèn, phê phán các tệ nạn trong xã hội, châm biếm đạo đức giả của tầng lớp quý tộc, phê phán thầy tu phá giới, đồng cảm với cuộc sống của bình dân,… và hơn hết chủ đề vợ cả vợ bé luôn mang lại nhiều tiếng cười cho mọi người.
-
Đặc điểm của múa mặt nạ Talchum-
-
Mặt nạ:
Tùy vào từng vùng miền mà từng chiếc mặt nạ có những đặc điểm và chất liệu khác nhau. Mặt nạ làng Hahoe (하회) được làm từ gỗ cây Dương đỏ. Chiếc mặt nạ này mang một nét độc đáo riêng bởi phần mặt nạ và phần cằm tách rời nhau. Làm như thế để trong quá trình diễn, người múa có thể chuyển động dễ dàng hơn.
Có 12 chiếc mặt nạ Hahoe là di sản văn hóa Hàn Quốc gồm: 양반 (yangban), 선비 (seonbi), 중 (jung), 백정 (baegjeong), 초랭이 (cholaeng-i), 할미 (halmi), 이매 (imae), 부네 (bune), 각시 (gagsi), 총각 (chong-gag), 떡다리 (tteogdali), 별채탈 (byeolchaetal). Nhưng hiện nay, 3 loại mặt nạ đã bị thất lạc là 총각 (chong-gag), 떡다리 (tteogdali), 별채탈 (byeolchaetal).
Đặc trưng của mặt nạ Okwangdae (오광대) và Yayu (야유) là các đường kẻ to, đơn giản, thô, tính châm biếm được thể hiện mạnh mẽ.
Mặt nạ Bongsan (봉산) là loại mặt nạ về tầng lớp quý tộc gồm các nhân vật như quý ông, đức lang quân,…
Ngoài ra, còn có mặt nạ Tongyeong Ogwangdae (통영 오광대) được làm bởi trí tưởng tượng của người dân. Họ tưởng tượng ra mặt quỷ nên chiếc mặt nạ có phần châm biếm cực mạnh.
-
Nhân vật:
Mặc dù các nhân vật của mỗi màn trình diễn múa mặt nạ khác nhau giữa các vùng, nhưng thường sẽ xuất hiện 2 loại hình nhân vật đối lập nhau là nhân vật thụ động (주동인물) và nhân vật phản động (반동인물).
Ví dụ, nhân vật thụ động là các Yangban (quý tộc), còn nhân vật phản động là người dân bình thường nhưng rất năng động và hoạt bát. Những nhân vật phản động này tấn công bằng lời nói và cử chỉ tự do, thể hiện sự hiểu biết của mình để gây ra tiếng cười và phát huy tối đa tác dụng của sự châm biếm.
Đại diện cho tiếng lòng của người xem, nên những nhân vật phả
n động thường không ngần ngại lời nói của mình, sử dụng cả những từ đùa cợt, thô tục để lên án, phê phán những vấn đề trong xã hội.
-
Các điệu múa và âm nhạc:
Các điệu múa uyển chuyển và âm nhạc pha trộn làm tăng sức hấp dẫn và góp phần truyền tải ý nghĩa một cách sâu lắng hơn. Lời nói của người biểu diễn chủ yếu là lời kể chuyện những sẽ xen kẽ như lời bài hát, những câu cảm thán pha hài.
Ở mỗi vùng lại có những điệu múa khác nhau thể hiện ý nghĩa và bản sắc riêng.
Chẳng hạn tại vùng Hahoe (하회), múa mặt nạ xuất hiện và gắn liền với các nghi thức tôn giáo Shaman, với việc thờ cúng các vị thần thành hoàng làng. Qua mỗi điệu múa, người dân gửi gắm vào những nghi lễ thần thánh đó những cầu mong sự yên vui cho dân làng.
Còn sang với múa mặt nạ Yayu (야유) và Okwangdae (오광대) thì những tính chất, yếu tố thần thánh không còn nữa mà chỉ đơn thuần là những màn biểu diễn giải trí thể hiện tình yêu quê hương đất nước của người dân nơi đây.
TTS Bích Nuôi