Tìm hiểu về món ăn “Kim Chi” đặc sản của Hàn Quốc và cách chế biến
Hàn Quốc hay còn được gọi là đất nước “Kim Chi”, thế mới hiểu kim chi đã không chỉ là một món ăn đơn thuần, nó đã, đang và mãi là linh hồn của mảnh đất này. Bạn có biết văn hóa muối Kimchi còn được gọi là Kimjang, chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
1.Lịch sử của kim chi
Đất nước Hàn Quốc mùa đông khắc nghiệt nên họ phải tìm cách bảo quản thức ăn và các loại rau. Họ đã nghĩ ra phương pháp bảo quản củ cải, củ sâm, lá… Và từ đó họ nghĩ ra cách làm kim chi.
Kim chi có một lịch sử rất lâu đời, một số nguồn cho rằng Kim chi có thể đã xuất hiện chừng 2600-3000 năm trước. Món ăn này được làm bằng cách lên men các loại rau củ chủ yếu như là: cải thảo, bắp cải, củ cải, hành lá, dưa chuột…
2. Các loại kim chi
Tính đến năm 1827, Hàn Quốc đã có đến 92 loại kim chi khác nhau, trong số đó có cả những món cá lên men kim chi vô cùng độc đáo. Cho đến ngày nay, kim chi ở Hàn Quốc đã có tới hơn 200 loại khác nhau. Thậm chí người ta còn xây dựng bảo tàng kim chi ở Seoul – thủ đô Hàn Quốc để trưng bày các loại kim chi khác nhau cùng với những thông tin về lịch sử cũng như những tác dụng của món ăn này. Đến thăm quan bảo tàng, du khách cũng có thể tự tay làm thử kim chi trong lớp dạy chế biến kim chi tại đây.
Không chỉ có cải thảo, người dân Hàn Quốc còn sử dụng đa dạng các loại rau, củ, quả khác để muối chua như su hào, cà rốt, củ cải trắng, củ cải vàng, dưa chuột… Việc muối Kimchi có sử dụng ớt bột chỉ mới thực sự phổ biến vào khoảng thế kỉ thứ 19 và từ đó ngày càng có nhiều loại ra đời.
Bên cạnh Kimchi cải thảo, một số loại Kimchi sau cũng rất nổi tiếng như: Nabak Kimchi (làm từ bắp cải), Baechu Kimchi (làm từ bắp cải), Yeolmu Kimchi (làm từ củ cải non), Oi Sobagi (làm từ dưa chuột), Insam Kimchi (làm từ nhân sâm), Gat Kimchi (làm từ lá cây mù tạt), Bossam Kimchi (làm từ nhiều nguyên liệu và được bọc trong bắp cải), Chonggak Kimchi(làm từ củ cải có cả lá), Geotjeori Kimchi (một loại kim chi làm từ xà lách và ăn liền)…
3. Hướng dẫn thực hiện
Cách 1:
Nguyên liệu:
• 1 kg cải thảo
• 280 gr muối hột
• 1 củ cà rốt
• 1 củ củ cải trắng
• 50 gr hành lá
• 30 gr hành tây
• 10 gr gừng
• 30 gr táo
• 20 gr cá cơm
• 70 gr xôi nếp
• 20 gr ớt bột (Hàn Quốc)
• 60 ml nước mắm
• 50 gr đường trắng
• 10 gr tỏi
• 20 gr hành boa rô
Hướng dẫn thực hiện:
• Nguyên liệu làm kim chi gồm có cải thảo, cà rốt, hành lá, hành boa rô. Phần sốt trộn gồm: gừng, tỏi, hành tây, táo, cá cơm khô, xôi trắng, gia vị là đường và nước mắm.
• Đầu tiên các bạn bổ cải thảo ra làm 4, cắt thành miếng vừa ăn, rửa dưới vòi nước 3-4 lần cho sạch đất có trong cải.
• Cà rốt gọt vỏ, cắt sợi dài. Củ cải gọt vỏ, cắt khúc nhỏ. Hành lá cắt khúc 5cm.
• Pha 200gr muối hột với 2 lít nước. Ngâm cải thảo trong 4 giờ. Vớt cải ra rửa lại với nước lạnh (2-3 lần), vắt ráo nước. Hòa tan 80gr muối với 800ml nước, cho cà rốt và củ cải vào ngâm khoảng 40 phút cho củ cải hết hăng.
• Cá cơm khô cho vào nồi với 200ml nước, vặn lửa to, nước sôi thì hạ nhỏ lửa, ninh 30-40 phút. Lọc lấy nước, cho xôi trắng vào ngâm đến khi mềm.
• Cho táo, gừng, tỏi, hành tây, nước dùng và xôi vào xay nhuyễn. Sau đó mới cho nước mắm, đường và ớt bột Hàn Quốc vào xay chung cho hòa quyện.
• Cho sốt vào trộn đều với củ cải, cà rốt, hành lá và hành boa rô. Tiếp theo cho cải thảo vào trộn chung cho thấm. Để 1 ngày ở nhiệt độ phòng là dùng được.
Cách 2: Có thể mua ở các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi: Family mart, Circle K, B’s mart, 7- eleven, Ministop, Vinmart, Satafood, Coopmart ,… trên toàn quốc
4. Ý nghĩa
Vào năm 2014, lễ hội “Muối kimchi chia sẻ yêu thương” đã được sách Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là lễ hội làm kimchi quy tụ số lượng người tham gia đông đảo nhất tại một địa điểm. Trong ngày diễn ra lễ hội, có đến 120.000 bó cải thảo ngâm muối nặng tương đương 200 tấn và 50 tấn gia vị được sử dụng để muối kimchi.
Việc muối kimchi với số lượng lớn để chuẩn bị cho mùa đông tới được gọi là “Kimjang”, một nét văn hóa độc đáo của người Hàn Quốc đã chính thức được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 12/2013.
Uỷ ban liên chính phủ về bảo vệ Di sản văn hoá phi vật cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao việc những người Hàn Quốc cùng chia sẻ Kim chi với những người láng giềng và văn hóa muối Kim chi cũng đã trải qua nhiều thế hệ.
Thông qua điều này ta có thể thấy sự tích cực trong việc tăng cường hiểu biết và nâng cao tinh thần đoàn kết chung giữa những người Hàn Quốc. Điều này cũng đã đóng góp nhằm tăng cường những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Có thể thấy, văn hóa muối kim chi từ lâu đã là một nét văn hóa sinh hoạt không thể thiếu trong mỗi gia đình Hàn Quốc. Nó đã trở thành một di sản phi vật thể truyền qua nhiều thế hệ và sống trong tinh thần của mỗi người dân “xứ sở kim chi”.