Tìm hiểu về nền giáo dục Hàn Quốc
Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia phát triển nhất trên thế giới cả về kinh tế, chính trị, khoa học, y tế… Và một trong những điều kiện cần và đủ dể đưa đất nước phát triển một cách thịnh vượng đó chính là giáo dục. Giáo dục tri thức được xem là cốt lõi quan trọng của mọi đất nước, là nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Từ thời xa xưa người Hàn đã cực kì xem trọng nền giáo dục Nho giáo, những người biết chữ và có học thức cao thường sẽ được trọng dụng và được kính nể. Thời Gojoseon dưới sự trị vì của vua Wang Jun, ông đã bắt đầu phong tước vị “tiến sĩ” cho vị tướng Wiman. Một hệ thống giáo dục thô sơ đã bắt đàu được hình thành khi tiếng Hán bắt đầu du nhập vào từ thời tiền Tam Quốc. Càng lùi về sau, những người xuất thân từ địa vị xã hội thấp có thể tham gia vào các kỳ thi khoa cử nghiêm ngặt để thay đổi cuộc sống và bước chân vào tầng lớp tri thức. Trong khoảng thời gian đấu tranh chống lại sự đô hộ của Nhật (1910-1945), Hàn Quốc đã thành lập hơn 3000 trường tư, đủ dể nhấn mạnh việc tự chủ quốc gia và kinh tế thông qua cải cách giáo dục.
Thời kì thành lập chính phủ nước cộng hòa đầu tiên, tổng thống Lee Seung Man đã ban hành đạo luật giáo dục. Thậm chí vào thời kì xảy ra chiến tranh Triều Tiên năm 1953, chính phủ đã công bố “Biện pháp giáo dục trong thời chiến”, nhằm tiếp tục tăng cường giáo dục bất chấp chiến tranh và đây là một điều khá hiếm gặp trong thời chiến. Theo Asia Society, từ năm 1990 người dân Hàn Quốc gần như đã được phổ cập tiểu học và trung học, và có khoảng hơn 80% người dân Hàn Quốc theo học các chương trình giáo dục bậc đại học.
Ở Hàn Quốc, học kì I thường bắt đầu và tháng 3, kì nghỉ hè bắt đầu từ tháng 7, tháng 8. Học kì II sẽ bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 12. Tiếp sau đó sẽ là sẽ là một kì nghỉ đông kéo dài đến tháng 2 và sau khi khai giảng, học sinh sẽ được nghỉ ngắn trong vòng 1 tuần trước khi bắt đầu một năm học mới.
Theo chương trình đào tạo hiện đại, chế độ giáo dục của Hàn Quốc được chia theo mô hình 6-3-3-4. Trong đó sáu năm đầu dành cho bậc tiểu học, ba năm tiếp theo là bậc trung học cơ sở, phổ cập các kiến thức cao hơn ở bậc tiểu học, ba năm tiếp là bậc trung học phổ thông, bắt đầu đào tạo thêm về các kiến thức chuyên môn liên quan đến hướng đi về sau của học sinh và bốn năm cuối dành cho bậc đào tạo đại học. Chín năm đầu tiên là chương trình giáo dục bắt buộc mà công dân Hàn Quốc cần phải hoàn thành, sau chín năm đó họ có thể chọn cho mình hướng đi khác.
Bên cạnh các trường trung học thông thường, Hàn Quốc còn có thêm trường trung học hướng nghiệp dành cho học sinh cấp ba: ngoài việc tham gia các lớp học về lý thuyết, học sinh sẽ được tham gia các lớp học thực hành về một ngành nghề cụ thể. Và nếu là một người yêu thích nền sóng Hallyu, chắc chắn bạn sẽ từng nghe qua các trường trung học chuyên dành riêng cho các bạn học sinh tham gia về mảng nghệ thuật và có mong ước trở thành nghệ sĩ và idol. Tại trường truung học chuyên, các bạn học sinh ngoài việc bổ sung kiến thức cơ bản, sẽ được luyện tập thêm về mảng tài năng của bản thân, và nhà trường cũng tạo điều kiện cho những bạn vừa đi diễn vừa vừa đi học. Các trường đại học chuyên về nghệ thuật mà các tín đồ Kpop cảm thấy rất quen tai đó là trường nghệ thuật HanLim, trường biểu diễn nghệ thuật Seoul,…
Cũng giống như chế độ giáo dục Việt Nam, Hàn Quốc cũng có hệ thống các trường dạy nghề và Cao đẳng. Chế độ giáo dục của các trường cao đẳng thường có thời gian đào tạo ngắn hơn và chi phí học tập thấp hơn so với bậc Đại học nên cũng có khá nhiều bạn sinh viên theo học. Sinh viên theo học hệ Cao đẳng thường được đào tạo về kỹ năng thực tế và có thể làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đồng thời các bạn sinh viên có thể liên thông lên bậc Đại học nếu có nhu cầu. Một số trường Cao đẳng được đánh giá cao như: Cao đẳng Suseong, Cao đẳng Daedong,…
Về bậc đào tạo Đại học, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức sâu rộng hơn tiếp nối bậc trung học phổ thông, kèm với việc đào tạo các kỹ năng chuyên ngành một cách tốt nhất. Và sau bậc đại học, các sinh viên có thể lựa chọn giữa việc đi làm chính thức hoặc học tiếp lên Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ. Một số trường Đại học bậc nhất của Hàn Quốc: trường Đại học quốc gia Seoul, trường Đại học Yeonsei, trường Đại học Korea. Đây là bộ ba trường Đại học được xem là “bầu trời” của nền giáo dục Hàn Quốc.
Vì là một quốc gia đặt giáo dục lên làm ưu tiên hàng đầu, nên thời gian biểu cho việc học của học sinh Hàn Quốc khá là dày đặc. Ngoài việc tham gia các buổi giảng dạy tại lớp học chính thức, học sinh còn phải tham gia các lớp học thêm ngoài giờ ở các trung tâm. Tất cả để phục vụ cho một mục tiêu đó là giành suất để vào được một trường Đại học tốt, việc vào được một trường đại học danh tiếng đươc xem là vấn đề sống còn của một vài bậc phụ huynh Hàn Quốc. Có lẽ mặt trái của việc đẩy mạnh nền giáo dục đó là vô tình tạo ra một áp lực khá lớn cho các bạn học sinh, dẫn đến Hàn Quốc được đánh giá là một trong những quốc gia có tỉ lệ tự tử cao nhất trong các nước Tổ chức phát triển kinh tế OECD.
Nhìn chung, nền giáo dục Hàn Quốc luôn được đánh giá là một trong các nền giáo dục tốt nhất trên thế giới. Việc xem trọng trình độ giáo dục cũng như đưa giáo dục làm ưu tiên hàng đầu là một trong những động lực chính khiến Hàn Quốc đạt đến trình độ phát triển một cách thần tốc như ngày nay. Quả thật mà nói, để đưa giáo dục lên mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng đất nước là một điều hết sức khó khăn vì còn biết bao nhiêu vấn đề xoay quanh công cuộc phát triển quốc gia. Có lẽ vì vậy nên Hàn Quốc luôn được đánh giá cao trong chế độ đào tạo giáo dục và luôn trực thuộc top các quốc gia dẫn đầu thế giới về nền giáo dục. Đây cũng là một trong những lí do khiến rất nhiều du học sinh đặt tương lai của mình tại các trường Đại học tại Hàn Quốc.
TTS Thu Quỳnh.